top of page
Search
  • Writer's pictureAdmin

GẮN KẾT ĐỘI NGŨ

Updated: Jan 19, 2020


Là một lãnh đạo hoặc quản lý cấp trung của doanh nghiệp, ắt hẳn bạn rất muốn có một đội ngũ thật sự gắn kết và đồng lòng. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ dàng và cần một quá trình nghiêm túc để xây dựng và phát triển.

Tôi muốn tạm ví von vấn đề gắn kết đội ngũ như xây dựng một “cuộc tình”. Chắc hẳn bạn đã từng “yêu” ít nhất một ai đó (người thân, người yêu, bạn đời, con cái…). Để một cuộc tình có thể bền vững qua thời gian, thì cần hai yếu tố rất căn bản.

Một là người trong cuộc “trưởng thành” trong suy nghĩ, lời nói, hành động. Và hai là người trong cuộc có “cảm giác” muốn gắn bó với cuộc tình đó.

Trước tiên, hãy cũng xem xét vấn đề “trưởng thành”. Trong phạm vi bài viết này thật khó để trình bày đầy đủ định nghĩa và phân tích hết nội hàm của việc trưởng thành trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Nhưng nếu bạn có thể tuyển dụng được hoặc đào tạo được hoặc trau dồi được các vấn đề sau đây cho đội ngũ thì thật tuyệt vời.


Trước tiên đó là những con người “chính trực” (integrity), họ trung thực, giữ lời hứa và giữ những chuẩn mực đạo đức đúng đắn. Thứ hai, họ làm việc có “trách nhiệm” (accountability), không đổ lỗi hoặc đùn đẩy công việc cho người khác. Thứ ba, trong quá trình làm việc có thể có những bất đồng ý kiến, cần sự trao đổi giữa các bên, nhưng họ vẫn luôn giữ được thái độ “tôn trọng” dành cho nhau (respect).

Đây được xem là ba giá trị nền tảng mà mọi quản lý và nhân viên cần phải có: Chính trực – Trách nhiệm – Tôn trọng!

Tiếp đến, chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề “cảm xúc” muốn gắn bó với doanh nghiệp. Nghe sơ qua thì có vẻ đề cập đến thứ khá mơ hồ, khá trồi sụt, khá thất thường. Vậy làm sao mà kiểm soát được? Chúng ta hãy tập trung vào các yếu tố thuộc về “quá trình” để tạo được kết quả đầu ra là cảm giác “muốn gắn bó” bạn nhé. Nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố then chốt sau đây.

Thứ nhất, hãy động viên, khen ngợi, ghi nhận và trao thưởng kịp thời cho những đóng góp của “anh em”.

Đừng giành công của họ! Đừng hà tiện lời nói!

Thứ hai, hãy nhận ra và phát huy tối đa sở trường, điểm mạnh của họ.

Bạn phải sắp xếp họ và liên kết họ vào đúng chuỗi giá trị với những đồng đội khác. Họ sẽ tự hào về những thành quả mà “đội mình” làm được!

Thứ ba, mỗi người sẽ “ngứa” ở những chỗ khác nhau, sẽ có nhu cầu ưu tiên khác nhau trong mỗi giai đoạn.

Có người thì còn lo lắng về cơm áo gạo tiền thu nhập (vấn đề của “bao tử”). Có người thì quan tâm môi trường làm việc thân thiện, chính trực, tích cực (vấn đề của “con tim”). Có người muốn được học hỏi kinh nghiệm, phát triển năng lực (vấn đề của “khối óc”). Có người quan tâm đến lộ trình thăng tiến nghề nghiệp, được người khác nể phục (vấn đề của “đôi mắt”). Có người quan tâm đến việc cống hiến cho sứ mệnh của tổ chức, cho các giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp mà chính họ cũng đang theo đuổi (vấn đề của “tâm hồn”). Làm được ba điều căn bản này thì mỗi đồng đội của bạn sẽ nuôi dưỡng một ngọn lửa bên trong bền vững, thôi thúc họ gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho tổ chức!


Hãy tạo môi trường để “cuộc tình” được nuôi dưỡng và phát triển. Bạn sẽ khai phóng sức mạnh của đội ngũ. Bạn sẽ khai phóng hiệu suất của tổ chức.


Tác giả: NGUYỄN VÕ MINH TÂM (Chuyên gia Tâm lý-Hành vi)

41 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page