Bạn thân mến,
Sự hiện diện của mỗi chúng ta trên cuộc đời này không phải là ngẫu nhiên. Chính gia đình là nguồn gốc khởi đầu cho hiện diện ấy. Nếu không có tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì đã không có chúng ta trên cuộc đời này. Chúng ta mang trong người một phần của tính cách, năng lực, gen di truyền từ các thế hệ trước. Do đó, ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, mỗi chúng ta đã có xuất phát điểm khác nhau, không ai giống ai cả. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn sinh ra lành lặn cơ thể lẫn khoẻ mạnh về trí tuệ. Nếu như được bình chọn âm thanh đầu tiên thú vị nhất trong cuộc đời mỗi con người thì tôi sẽ bình chọn cho tiếng khóc chào đời của mỗi đứa trẻ. Vì sao vậy? Vì nếu thời khắc đứa bé bước ra thế giới này mà không có tiếng khóc vang lên, không khí sẽ không thể tràn vào lồng ngực, sự sống của đứa bé ấy sẽ bị đe doạ... Do vậy, tiếng khóc vang lên vào thời khắc ấy chính là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ bạn và những người yêu quý bạn. Bạn đã chính thức ghi danh vào đời! Và nếu bạn sinh ra lành lặn, bạn đã may mắn hơn rất rất nhiều người. Hãy biết ơn điều đó. Hãy biết ơn Cha Mẹ bạn. Hãy biết ơn cuộc đời...
Có một câu chuyện kể rằng, có 2 vợ chồng nọ năm nay đã gần 70 tuổi. Một ngày nọ, ông lão (người chồng) mới hỏi bà lão (người vợ) rằng: “Bà nó này, tui có phải là người tình đầu tiên của bà không vậy?” Mới đầu, bà lão hơi bất ngờ khi nghe câu hỏi đó từ ông lão, nhưng rồi sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, bà lão quay sang cầm tay ông lão và chậm rãi nói với nhiều tâm tư trong ánh mắt: “Ông nó này, tui xin lỗi vì ông không phải là người tình đầu tiên trong cuộc đời tui. Và chắc có lẽ tui cũng không phải là người tình đầu tiên trong cuộc đời của ông đâu. Lý do là vì tui và ông có đến hai người tình đầu tiên. Họ đã luôn yêu thương, hy sinh, chăm sóc, dạy dỗ, lo cho chúng ta từng miếng cơm manh áo, ngôi nhà để ở, cơ hội học hành, những đêm thức trắng khi chúng ta bị bệnh hồi bé... Và dẫu cho đến ngày họ đi đứng lệnh khệnh, ăn uống đổ lên đổ xuống, từ trong trái tim họ vẫn luôn yêu thương chúng ta vô điều kiện...” Ông lão giờ đã hiểu ý. Không phân biệt hoàn cảnh, mỗi chúng ta đều có hai người tình rất đặc biệt ấy. Nhờ có họ mà mới có sự hiện diện của chúng ta trên cuộc đời này. Và nếu như chỉ cần có điều kiện ấy thôi, thì tất cả chúng ta cần lắm sự biết ơn với đấng sinh thành của mình...
Theo dòng chảy cuộc đời, chúng ta dần lớn lên, đi học, đi làm... Chúng ta gặp những khó khăn thử thách và cả những cơ hội may mắn... Đó chính là những nhân duyên thật đặc biệt, những người “thầy”, người “sếp”, cơ hội “việc làm” và “như cá gặp nước”, chúng ta có cơ hội phát triển kiến thức kỹ năng rất nhanh, thu nhập tăng vọt, mối quan hệ không ngừng được mở rộng... Nói chung là “tăng tốc” vượt bậc. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, “Sao mình lại gặp được cơ hội việc làm này? Sao mình lại gặp người thầy này? Sao mình lại gặp được người sếp này? Thành công này có phải đơn thuần chỉ là do năng lực của bản thân, do ta tài giỏi? Hay thành công này còn là do thiên thời-địa lợi-nhân hoà?...” Khi tự vấn bản thân về những câu hỏi trên một cách nghiêm túc, thì rất có thể mỗi chúng ta sẽ nhận ra rằng, thứ nhất, mình cần thật sự khiêm tốn về thành công hay thành tích của mình, vì nó có được là do sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trực tiếp và gián tiếp, hữu hình và vô hình. Thứ hai, bản thân mình sẽ phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa vì mình đã may mắn có được những cơ hội và nhân duyên đó, nên cần phát huy, sống xứng đáng và tìm kiếm cơ hội giúp đỡ lại cho những người kém may mắn hơn, đền đáp lại cho đời những thuận lợi mình đang có. Và hơn nữa hãy nhớ rằng, nếu bạn càng tài năng và càng khiêm tốn, thì bạn sẽ có được sự kính trọng và nể phục thật sự của những người xung quanh mình...
Chắc có lẽ ít nhất một lần trong đời, mỗi chúng ta từng trải qua được cảm giác tuyệt vời khi bản thân đạt được một mục tiêu hoặc chiến thắng được một thử thách nào đó. Nhưng bây giờ tôi muốn bạn hãy hồi tưởng lại trong dòng chảy cuộc đời đã qua đến thời điểm này, có bao giờ bạn trải qua cảm giác “hẫng” chưa? Có bao giờ ngay sau thời khắc bạn “được thăng chức”, “tăng thu nhập”, “mua được nhà”, “được khen ngợi trước tập thể”, “chiến thắng trong một cuộc tranh luận”... bạn bỗng nhiên “thấy hẫng”, một cảm giác khó tả thành lời, vui thì có vui mà không hiểu sao nó lại thoáng trôi qua, như ngọn lửa bùng lên rồi lại nhanh chóng vụt tàn... Không có gì sai cả khi chúng ta đặt cho mình những mục tiêu, những mong muốn và rồi chinh phục được nó. Đó là động lực rất lớn cho mỗi chúng ta để tiến lên trong cuộc sống này. Tôi chỉ muốn mời bạn hãy soi rọi thêm một góc nhìn khác. Điều gì đã khiến bạn “bị hẫng”? Vì sao ngọn lửa ấy lại không bền vững? Có phải chăng vì ta phụ thuộc quá nhiều vào “niềm vui bên ngoài”, “ngọn lửa bên ngoài”. Đó có thể là tiền bạc, địa vị, vật chất, danh vọng, sự khen ngợi hay ghi nhận từ người khác... Nếu hôm nay phải tự trả lời một cách nghiêm túc những câu hỏi dưới đây, bạn sẽ nuôi dưỡng ngọn lửa bên trong thế nào: Tôi là ai? Điều ý nghĩa và có giá trị tôi muốn mang đến cho người khác là gì? Tôi sẽ đóng góp điều tích cực gì cho cuộc đời này? Sứ mệnh của cuộc đời tôi? Với công việc cụ thể đang làm, tôi đã và đang đóp góp điều giá trị gì cho tổ chức của mình? Với những may mắn mình đang có, mình sẽ sống xứng đáng như thế nào? Những việc mình đang làm có xuất phát từ những động cơ và ý định tốt đẹp, hay chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn trước mắt? Có bao giờ vì lòng tham, mình đã làm những việc sai trái dù không ai biết? ... Bạn thân mến, thật không dễ để trả lời những câu hỏi trên, nhưng sẽ có những ngày đẹp trời khi “nằm gác chân lên trán”, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình... Đừng lo lắng nếu chưa tìm ra được ngay câu trả lời, theo dòng thời gian, khi bạn chú tâm tìm kiếm, mọi thứ sẽ dần hiện rõ. Cũng giống như mặt hồ, tuy sẽ có những lúc gợn sóng, nhưng sẽ có những khời khắc mặt hồ thật trong veo, thật tỏ tường... Hãy quay vào bên trong. Đừng mãi tìm kiếm bên ngoài!
Tôi đã từng được nghe một câu nói rằng: “Bạn chính là kẻ thù lớn nhất của đời mình”. Lúc bé, tôi không hiểu lắm những nội hàm ý nghĩa của nó, nhưng khi trưởng thành hơn, tôi chợt nhận ra rằng ai cũng có “cái tôi” của mình cả. Đó vốn dĩ là bản năng thuộc phần “con” trong “con người”. Đó là bản năng chiến đấu để sinh tồn, sự háo thắng, ghen tỵ với thành công của người khác, tức giận khi sự việc diễn ra không đúng ý mình, muốn những thứ không thuộc về mình, nhìn vấn đề một cách phiến diện... Chính vì vậy, ta phải dùng “bản lĩnh” để chiến thắng và tu dưỡng “cái tôi” ấy mỗi ngày, để ta trở nên “người hơn”. Khi đó, ta sẽ luôn trân quý và biết ơn những gì mình đang có, nỗ lực sống xứng đáng, luôn khiêm tốn, biết khi nào nên mạnh mẽ khi nào nên nhún nhường, nhìn thấy “bức tranh cuộc đời” với con mắt sáng suốt, nghĩa là “minh định” chứ không phải “vô minh” u ám, “tưởng thấy mà không thấy”. Khi đó, ta sẽ hạnh phúc và thành công một cách bền vững hơn... Và nếu bạn làm được điều đó và cùng nhau hợp sức với nhiều người cùng chí hướng, để cùng nhau tiến bước, thì chắc chắn thành công sẽ rất lớn, một cách bền vững và trường tồn qua thời gian...
Tôi rất thích bài hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của nhạc sỹ Hoài An vì nó được kết thúc bằng câu hát rằng: “Cảm ơn cuộc đời... Cảm ơn mọi người...” và bài thơ “Một khúc ca xuân” của nhà thơ Tố Hữu cũng đã có viết “Nếu là con chim, chiếc lá - Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh - Lẽ nào vay mà không trả - Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”... Đó cũng là lời kết tôi muốn gửi gắm đến các bạn, hãy thả lỏng tâm trí mỗi ngày, hãy ví cuộc đời như một dòng sông, hãy khám phá chân trời mới mỗi ngày. Khi gặp hòn đá trở ngại, hãy đối diện với nó hoặc có thể linh hoạt lách qua nó. Đó là cách dòng nước cứ chảy mãi, cứ tiến lên, không bỏ cuộc, không nản lòng, không chỉ trích, không đổ thừa. Đừng mãi nuối tiếc về quá khứ. Hãy hướng đến tương lai. Và sống tốt nhất trong giây phút hiện tại của ngày hôm nay.
Tác giả: NGUYỄN VÕ MINH TÂM (Chuyên gia Tâm lý-Hành vi)
Comentários