top of page
Search
  • admin

SỰ LỰA CHỌN TRƯỞNG THÀNH

Updated: Jan 19, 2020


Bạn thân mến,


Cuộc sống vốn dĩ có nhiều thử thách cho chúng ta mỗi ngày. Sẽ có những việc thuộc đúng sở trường hoặc có thể mình đã có kinh nghiệm làm trước đây. Khi đó, nhiệm vụ vượt qua thử thách hay mục tiêu sẽ không mấy khó khăn. Tôi tạm gọi bất kỳ việc nào thuộc năng khiếu, kinh nghiệm... mà ta cảm thấy dễ dàng và thoải mái vượt qua là vì nó nằm trong phạm vi “vùng an toàn” của mỗi người. Vùng an toàn trong tiếng Anh được gọi là “Comfort Zone”. Phạm vi “vùng an toàn” của mỗi người là không giống nhau. Có người vì trải qua quá trình rèn luyện vất vả hoặc có nhiều cơ hội trải nghiệm sức chịu đựng của cả thể lý lẫn tinh thần nên phạm vi vùng an toàn lớn hơn những người ít rèn luyện và nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh. Câu hỏi đặt ra là làm sao đánh giá được phạm vi vùng an toàn của mỗi chúng ta? Thật ra cũng không quá khó để làm việc đó. Bất kỳ thời điểm nào bạn định làm một việc nào đó, chinh phục một mục tiêu nào đó, triển khai một kế hoạch nào đó... mà tự nhiên bạn xuất hiện cảm giác căng thẳng, lo lắng, hồi hộp, bất an... Những cảm xúc đó không phải là “tiêu cực” như bạn thường dán nhãn đâu. Đó là những “dấu hiệu” chỉ ra rằng bạn đang ở “rìa” của vùng an toàn. Bạn đang đứng ở “biên giới” giữa những gì vừa quen thuộc vừa không quen thuộc, vừa chắc chắn làm được vừa có nguy cơ thất bại, vừa có cảm giác ổn ổn vừa có cảm giác lo âu, vừa tin mình có thể làm được vừa lo sợ triển vọng xấu... Tất cả những cảm xúc và tâm trạng đó điều chỉ ra rằng bạn đang ở rìa của vùng an toàn. Khi đó, bạn sẽ có hai sự lựa chọn. Một là tiến lên, mở rộng vùng an toàn. Hai là lùi lại, không dám chiến thắng bản thân và nâng cao khả năng của mình. Bạn biết không, con người vốn dĩ không thích cảm giác “khó khăn, bất an”, không thích vượt qua sự lựa chọn khó đó đâu. Chúng ta sẽ có xu hướng thụt lại, quay vào bên trong vùng an toàn. Chúng ta cần lắm những người lãnh đạo, những người thầy... “đồng hành” cùng ta, “động viên” ta, “thúc đẩy” ta, sẵn sàng “khiển trách” ta... để ta đủ mạnh mẽ và bản lĩnh vượt qua “biên giới” mong manh ấy, để ta trưởng thành hơn và cứng cáp hơn! Tuy số lượng những người có khả năng tự kỷ luật và quyết tâm vượt qua được rìa của vùng an toàn là không nhiều, nhưng đừng chỉ phụ thuộc vào “tác nhân bên ngoài” hoàn toàn bạn nhé.

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta gặp nhiều sự việc khác nhau, những con người khác nhau, trong những bối cảnh khác nhau. Dẫu cho chúng ta rất muốn có toàn quyền kiểm soát và quyết định tất cả những tình huống đó, con người đó... nhưng rất tiếc khi phải nói rằng điều đó không xảy ra được. Vì sao? Vì có những việc nằm ngoài khả năng kiểm soát hoặc ảnh hưởng của ta. Nói một cách khác, chúng ta chỉ có thể kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động của bản thân mình. Với người khác, ta chỉ có thể tác động hoặc ảnh hưởng một phần suy nghĩ, lời nói, hành động, cảm xúc của họ. Thậm chí có những sự việc, những con người, những hoàn cảnh mà ta hầu như không thể thay đổi được kết quả. May mắn là chúng ta có thể quyết định thay đổi “góc nhìn”. Một khi ta lựa chọn thay đổi góc nhìn, ta thấy một bức tranh lạc quan hơn, tích cực hơn. Nếu ta chỉ ước “người khác” thay đổi thì có vẻ khó đấy. Nhưng ta hãy cầu nguyện cho mình trở nên mạnh mẽ hơn để học cách chấp nhận, đón nhận và thay đổi góc nhìn. Đồng thời, thay vì buồn phiền vì những chuyện ta không thể tác động, hãy tập trung hành động cho những sự việc nằm trong khả năng kiểm soát của mình bạn nhé!


Chúng ta hãy cùng nhau đi sâu hơn nữa về “những việc nằm trong khả năng kiểm soát” vừa nêu ở trên. Khi có một vấn đề xảy ra, luôn sẽ có khoảng không gian và thời gian cho bạn “dừng lại” và “lựa chọn cách phản ứng”. Chính “cách phản ứng” của bạn sẽ quyết định “kết quả” bạn nhận được. Như đã nói, ta không thể biết được mình sẽ gặp những tình huống bực bội gì, con người khó chịu nào... Do đó, ta luôn cần rèn luyện bản lĩnh để xử lý và phản ứng trước những tình huống phát sinh. Nói thì dễ nhưng làm thì sẽ rất khó. Có một câu chuyện mà tôi rất tâm đắc. Có một người nọ đang đi đường thì bỗng nhiên có một con rắn trong bụi rậm cắn vào chân. Người ấy tức quá liền đuổi theo con rắn và tìm nhánh cây để đập chết nó cho bằng được. Người ấy rất quyết tâm, nhưng chạy được một đoạn, thì ngất xỉu vì nọc độc của con rắn đã đi vào người... Thiết nghĩ, nếu người ấy “dừng lại” và “lựa chọn” cách phản ứng là băng bó vết thương trước, tự cứu mình trước, thì chắc có lẽ “kết quả” sự việc đã khác...

Khi nói đến “sự lựa chọn cách phản ứng”, thì xét về mặt lý thuyết, chúng ta luôn có thể “dừng lại”, “cân nhắc” và “lựa chọn”. Trong hoàn cảnh “bình thường”, nếu đủ lý trí thì thường chúng ta sẽ có những lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên trên thực tế thì không phải vậy, lý do là vì chúng ta thường phải chịu những “áp lực” nhất định, áp lực về thời gian, áp lực khi có sự tác động từ những con người khác. Chính những “áp lực” đó khiến ta khó có thể đưa ra những nhận định sáng suốt và sự lựa chọn tối ưu nhất. Như người ta thường ví von rằng “Không có áp lực sẽ không có kim cương”. Đúng vậy bạn ạ, trong bối cảnh xích mích gia đình, áp lực công việc, bất đồng ý kiến với đồng nghiệp... đều là những tình huống liên tục xảy ra mỗi ngày với chúng ta. Đôi khi ta đã đưa ra những lựa chọn “đẹp mặt” bên ngoài nào đó, nhưng thật tâm thì nó không “nhất quán” với suy nghĩ, cảm xúc ở bên trong của chúng ta. Chỉ khi nào đến một ngày, ta có được sự lựa chọn một cách nhất quán giữa bên ngoài và bên trong, thông suốt suy nghĩ, nhận định sáng suốt vấn đề. Khi đó, ta đã thật sự khổ luyện để lên một tầm cao mới.


Để đơn giản vấn đề “sự lựa chọn”, tôi sẽ khái quát hoá vấn đề như sau. Ứng với mỗi tình huống xảy ra, ta sẽ có hai sự lựa chọn chính, tạm gọi “lựa chọn 1” và “lựa chọn 2”. Hãy lấy ví dụ, bạn đang ngồi trên xe buýt, thì có một ông lão bước lên xe và xe đã hết chỗ ngồi, bạn sẽ làm gì? “Lựa chọn 1” đó là bạn làm ngơ như không thấy gì. “Lựa chọn 2” đó là bạn chủ động đứng lên và nhường ghế cho ông lão. Sự lựa chọn là của bạn! Lấy tiếp một ví dụ khác nhé, trong một buổi họp thảo luận ý kiến tại công ty, thì sếp yêu cầu các thành viên hãy góp ý kiến phản biện, bạn sẽ làm gì? “Lựa chọn 1” đó là bạn ngồi im, bạn tự nhủ với mình rằng “Nói ra nguy hiểm lắm, mất công bị bình luận, chỉ trích, chưa chắc gì được lắng nghe...”. “Lựa chọn 2” đó là bạn chủ động góp ý tưởng mang tính xây dựng, đối thoại rõ ràng, sếp vẫn là người quyết định cuối cùng và mình sẽ tôn trọng điều đó. Sự lựa chọn là của bạn! Tất nhiên, lựa chọn 1 và lựa chọn 2 chỉ là những ý niệm để bạn dễ hình dung. Điểm mấu chốt mà bạn cần ghi nhớ đó là chúng ta luôn có những “sự lựa chọn”. Bây giờ chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào bản chất của hai sự lựa chọn này nhé. “Lựa chọn 1” tượng trưng cho điều “dễ làm”, thường mang tính “ngắn hạn, trước mắt”, thể hiện cách nhìn vấn đề “chưa trưởng thành, còn non trẻ”, nó còn phản ánh “cái tôi ích kỷ” vốn có sẵn trong mỗi con người. “Lựa chọn 2” tượng trưng cho những điều cần “sự nỗ lực”, mang tính “dài hạn, bền vững, hiệu quả”, thể hiện suy nghĩ “trưởng thành, chín chắn”, phản ánh thái độ “hạ cái tôi” và “lòng nhân ái”. Thiết nghĩ, chúng ta không nên vội phán xét hay nhận định về sự lựa chọn của bất kỳ ai, vì mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau, cách nhìn vấn đề khác nhau, hệ quy chiếu khác nhau, “cái tôi khác nhau”. Đừng quá bận tâm về người khác. Hãy tập trung vào chính mình bạn nhé!


Cuối cùng, tôi muốn dùng bốn cụm từ bắt đầu bằng chữ “T” để minh hoạ rõ nét hơn cho “lựa chọn 2”. Thứ nhất, đó là chữ “Trách nhiệm”. Nó thể hiện khả năng chịu trách nhiệm về những trọng trách mình đang đảm nhiệm trong cuộc sống và công việc, không trốn tránh, không đổ thừa đổ lỗi, không viện lý do. Thứ hai, đó là chữ “Tròn vai”. Mỗi chúng ta đều có những “vai trò” khác nhau. Dù cho sẽ có những áp lực, bức xúc, bất đồng quan điểm... nhưng hãy luôn ghi nhớ bài học “Tròn vai đến ngày cuối cùng”. Thứ ba, đó là chữ “Trưởng thành”. Con người luôn có xu hướng quay vào bên trong “vùng an toàn” của mình, thích làm những điều dễ dàng, phục vụ cho lợi ích bản thân, vì cái tôi. Nhưng người có suy nghĩ trưởng thành sẽ biết quan tâm hơn đến lợi ích chung, lợi ích đường dài, có lòng trắc ẩn với người khác, nỗ lực để mở rộng vùng an toàn bản thân. Và cuối cùng, đó là chữ “Trường tồn”. Chúng ta chỉ là một cá thể nhỏ bé trên cuộc đời này. Dù mỗi người sẽ có những năng lực và hoàn cảnh khác nhau... nhưng có lẽ sứ mệnh đóng góp những điều có giá trị và để lại ý nghĩa cho cuộc đời là mong muốn chính đáng của mỗi con người. Hãy có trách nhiệm chung tay cho sự trường tồn của tổ chức nơi mình đang cống hiến, cho sự trường tồn và không ngừng phát triển của xã hội loài người, cho sự trường tồn của thế giới này, cho thế hệ của ngày hôm nay và cho con cháu tương lai.


Tóm lại, sự lựa chọn là “món quà bình đẳng” của mỗi người. Bạn có toàn quyền lựa chọn cách phản ứng cho bất kỳ tình huống nào. Nhưng sẽ có những lựa chọn minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, suy nghĩ trưởng thành, sự tròn vai và trường tồn. Chúc bạn luôn điềm tĩnh và dũng cảm để đưa ra sự lựa chọn sáng suốt, minh định. Người ta hay nói quan trọng nhất là “thái độ”. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một góc nhìn khác:

Đó là “sự nhất quán về thái độ”, giữa suy nghĩ bên trong và hành động bên ngoài!

Chúc bạn thành công!


Tác giả: NGUYỄN VÕ MINH TÂM (Chuyên gia Tâm lý-Hành vi)

251 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page