Hãy thử xem xét trong môi trường công việc thì bộ não của chúng ta sẽ làm gì nhé? Nó ra sức bảo vệ người nhân viên khỏi tất cả hiểm nguy “rình rập”, “đe doạ”... Do vậy, sẽ không có gì bất ngờ nếu như:
Nhân viên đi làm trễ, trễ deadline công việc, trễ họp... thì bộ não sẽ ngay lập tức mách bảo họ tìm lý do bào chữa... Để làm gì? Để bảo vệ thân chủ khỏi bị chê trách, chỉ trích.
Trong lúc họp, rất nhiều nhân viên ngại phát biểu, ngại tranh luận... Vì sao thế? Vì bộ não mách bảo họ đừng tranh luận, đừng thẳng thắn, đừng nêu chính kiến... Vì sẽ dễ bị phản biện lại, dễ bị đánh giá thấp nếu ý tưởng bị bác bỏ, sẽ bị tổn thương nếu có một đồng nghiệp khác nêu ý kiến khác hay hơn, thuyết phục hơn...
Khi đứng trước việc sếp giao một trọng trách cao hơn, một thử thách mới khó khăn... thì bộ não mách bảo họ đừng nhận, vì nếu thất bại thì sao, sẽ vất vả lắm, biết bao khó khăn chưa thể lường trước...
Ôi, bộ não của tôi - người vệ sỹ lo lắng quá mức!
Hãy chia sẻ những điều ấy để nhân viên hiểu sâu hơn cơ chế tâm lý-hành vi nào khiến họ thường xuyên rơi vào trạng thái ấy... Nhiệm vụ của người quản lý là hãy giúp sức, động viên, đồng hành đúng cách, đúng lúc để nhân viên chiến thắng được cơ chế bảo vệ quá mức của bộ não con người, để giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi, giúp họ tìm lại được sức mạnh sâu thẳm của chính mình, để rồi họ sẽ:
Sai dám dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi.
Chân tình phát biểu chính kiến, quan điểm và cả phản biện tích cực trong các buổi họp.
Dũng cảm đương đầu với các trọng trách mới, thử thách mới.
Mở lòng và trải lòng chia sẻ những áp lực và khó khăn để nhận được sự giúp đỡ kịp thời.
Hãy để bộ não trở thành người vệ sỹ đúng lúc, đúng chỗ!
Tác giả: NGUYỄN VÕ MINH TÂM (Chuyên gia Tâm lý-Hành vi)
Comments