top of page
Search
  • Writer's pictureAdmin

RÌA VÙNG AN TOÀN

Updated: Jan 19, 2020


Dù bạn có thật sự thừa nhận hay chối bỏ, thì nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng “cảm xúc” đóng một vai trò rất quan trọng đối với con người. Chính cảm xúc thúc đẩy con người hành động. Và hành động sẽ tạo ra kết quả.


Mỗi khi chúng ta định làm một việc gì đó, mà bắt đầu xuất hiện cảm giác lo lắng, sợ hãi, căng thẳng... Đó là lúc cảm xúc báo hiệu rằng chúng ta đang ở “rìa” của vùng an toàn (comfort zone). Đừng xem những cảm giác như lo lắng, sợ hãi, căng thẳng là cảm xúc tiêu cực.

Chúng đơn giản là những “dấu chỉ” cho chúng ta mà thôi.

Quan trọng là bạn đang “giải mã” những tín hiệu đó như thế nào. Và chính những gì bạn giải mã sẽ quyết định hành động tương ứng.


Hãy cùng xem xét trong bối cảnh công việc nhé. Khi đi làm, nhân viên của chúng ta sẽ thường xuyên trải qua những cảm giác đó, nhất là khi đứng trước một thử thách, một dự án, một trọng trách mới... Bạn sẽ thấy những câu động viên sau đây khá quen quen: “Sẽ ổn thôi, ráng nha em!”, “Em làm được mà. Cố lên!”. Theo tôi, những lời động viên đó là khá tốt rồi. Nhưng tôi muốn bạn hãy thử đặt mình vào vị trí người nhân viên và nhìn lại những trải nghiệm tương tự của chính bản thân mình khi rơi vào cảm xúc lo lắng đó, rồi được người quản lý động viên vài câu như thế, sau đó để bạn tự chiến đấu bạn sẽ thấy nó “sao sao”, “nản nản”, “đuối đuối”...


Hãy dùng đến cách sau đây. Người quản lý vừa động viên, khích lệ vừa kết hợp giải thích các hiện tượng tâm lý hành vi trong công việc, nhân viên sẽ thấu hiểu bản thân hơn: “Em này, khi chúng ta làm một việc gì đó, mà mình cảm thấy khá dễ dàng, đó là lúc những kỹ năng đó, kinh nghiệm đó đang nằm trong vùng an toàn, vùng thoải mái của mình. Và khi em đứng trước một thử thách, một dự án mới... mà cảm giác lo lắng, sợ hãi xuất hiện...

Đó không phải là cảm xúc tiêu cực đâu, mà đó là những “dấu chỉ”, những “tín hiệu” cho em biết em đang ở rìa của vùng an toàn.

Khi đó, em sẽ có hai sự lựa chọn: Một là “tiến lên”, vẫn hành động dù ý thức nỗi sợ đang hiện diện. Hai là “lùi lại”, lùi vào trong vùng an toàn của bản thân, để nỗi sợ lấn át...

Người thành công cũng có nỗi sợ, cũng lo lắng. Nhưng rồi họ vẫn hành động, phân tích vấn đề, tìm giải pháp, tìm đồng đội... Họ vẫn tiến lên! Hãy mở rộng vùng an toàn của chính mình mỗi ngày!

Tác giả: NGUYỄN VÕ MINH TÂM (Chuyên gia Tâm lý-Hành vi)

19 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page