top of page
Search
  • admin

TRÒN VAI ĐẾN NGÀY CUỐI CÙNG

Updated: Jan 19, 2020


Bạn thân mến,


Với áp lực của vòng xoáy cơm áo gạo tiền, chúng ta thường mang trên người những chiếc “mặt nạ”, những lớp “phòng thủ”... Chúng ta luôn sẵn sàng “chiến đấu” với người khác. Bản năng “sinh tồn” của con người khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng mỗi ngày... Hoặc nếu có những niềm vui nhất định, thì thường nó cũng khá “chóng vánh”, vui mà không hẳn vui, nó cứ sao sao ấy! Ông bà ta vẫn nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Thế nên, hôm nay tôi muốn mời bạn tham gia một trải nghiệm trong tâm trí như sau nhé. Bài tập ấy được tôi đặt tên là “Kết nối mắt”. Hãy tưởng tượng rẳng bạn đang đứng ở một không gian rất yên tĩnh... Hãy hít sâu thật chậm rãi... Hãy tạm thời gác qua những áp lực công việc và cuộc sống đang gặp phải... Đứng trước mặt bạn vào giây phút này đây là một người đồng nghiệp bất kỳ tại tổ chức bạn đang làm việc... Đó có thể là người mà bạn khá yêu quý và thân thiết. Đó cũng có thể là người đang có những hiềm khích với bạn vì một lý do nào đó. Hãy tạm gác qua việc đó bạn nhé! Khi tôi nói “Trải nghiệm bắt đầu!”, tôi muốn bạn và người ấy hãy nhìn sâu vào trong đôi mắt của nhau, hai bàn tay của bạn hãy đặt lên nhau và để phía sau lưng... Hãy nhớ đừng cười, cũng đừng tỏ vẻ phấn khích hân hoan. Hãy cứ giữ thái độ điềm tĩnh và nhìn sâu trong đôi mắt của người ấy... Rất có thể sau giây lát làm việc ấy, bạn chợt nhận ra rằng mình vừa có thể tạm “hạ cái tôi” của mình xuống và học cách quan tâm hơn đến người khác, bớt đi những sự phán xét và phòng thủ. Và vào thời khắc ấy, có khi bạn sẽ chợt nhận ra rằng mỗi chúng ta đều là “con người đúng nghĩa”. Ai cũng có những áp lực, nỗi buồn, niềm vui của riêng mình... Bạn không thể biết hết được những căng thẳng mà người ấy đã trải qua thời gian vừa rồi đâu... Và sau giây phút cảm nhận thế giới kỳ bí sau “cánh cửa tâm hồn” của người ấy, sau giây phút nhận ra “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, sau giây phút chủ động gỡ lớp mặt nạ và phòng thủ để đối xử với nhau chân thành như những “con người đúng nghĩa”, bạn có muốn sẽ tiếp tục để tay của mình lạnh lùng sau lưng nữa không? Hay bạn sẽ muốn đưa đôi bàn tay của mình về phía trước để nắm lấy tay của người ấy? Hay bạn sẽ trao một cái ôm chân thành, động viên đến người ấy nếu bạn kịp tinh tế nhận ra những nỗi đau, những áp lực họ đã phải trải qua trong cuộc đời... Sự lựa chọn là của bạn! Hãy nhớ chúng ta là “con người đúng nghĩa”.


Và bạn có biết vì sao chúng ta lại luôn có lớp phòng thủ như vậy bên ngoài không? Trong quá trình trưởng thành và đi làm, chúng ta đã chứng kiến hoặc trải qua nhiều “nỗi đau” - đã từng rất đau khi mình trung thực, trong khi người khác thiếu trung thực, ấy vậy mà “họ vẫn sống khoẻ”; đã từng rất đau khi mình sống và làm việc với tinh thần trách nhiệm, trong khi có những người cứ gian dối, đổ thừa, đổ lỗi... ấy vậy mà “họ vẫn cứ leo lên vị trí cao hơn”; đã từng rất đau khi mình chủ động góp ý tưởng mang tính xây dựng cho ai đó, nhưng người tiếp nhận lại không lắng nghe, mà trái lại còn phản bác, chỉ trích... Qua những lần đau ấy, con người bắt đầu “biết sợ” – “Ừ thì là sợ đau đó mà!”. Nên con người đã học cách che chắn và bảo vệ an toàn cho chính mình thông qua những lớp bảo vệ, lớp phòng thủ vững chắc bên ngoài. Nhưng nếu ta có cơ hội vượt qua lớp phòng thủ ấy, có cơ hội vượt qua nỗi đau và nỗi sợ ấy, chúng ta sẽ chạm đến một thế giới của “tình người”, của “con người đúng nghĩa”, với sự tử tế, tinh thần trách nhiệm, sự chính trực, lòng trắc ẩn giữa người với người... Thật ấm áp và tuyệt vời khi chạm đến “phần người” đích thực phải không bạn?


Về cơ bản, ai cũng mong muốn mình sẽ có một việc làm đàng hoàng và đóng góp khả năng, tạo giá trị cho xã hội. Nói dễ hiểu là mình muốn trở thành người có ích cho đời. Hãy cùng tôi hồi tưởng lại hành trình đi làm của bạn cho một tổ chức nào đó nhé! Tôi sẽ đặt những câu hỏi và nhiệm vụ đơn giản của bạn là tự trả lời trong đầu... Hãy nhớ lại giây phút đầu tiên bạn bắt đầu tìm hiểu một tổ chức nào đó để chuẩn bị đi làm... Giây phút nộp hồ sơ ứng tuyển vào một vị trí... Giây phút đi phỏng vấn... Giây phút được thông báo đã trúng tuyển... Giây phút chuẩn bị bộ đồ mặc đi làm vào ngày đầu tiên... Hãy nhớ lại những ý tưởng, mục tiêu mà bạn đã vạch ra trong đầu để đóng góp cho tổ chức đó khi được nhận vào làm... Tôi chỉ muốn hỏi đó có phải là cảm giác của sự háo hức, niềm vui và hân hoan không? Dường như lúc ban đầu khi mới đi làm cho một tổ chức nào đó, trong ta tràn ngập một cảm giác háo hức và hăm hở... Để rồi?!... Sau một khoảng thời gian, những áp lực của cuộc sống, áp lực của công việc, những bất đồng quan điểm, những lời nói của đồng nghiệp, sự tự thân vận động đến ngợp thở dường như đã làm lụi tàn ngọn lửa ban đầu ấy. Ta trở nên không còn làm việc trong tâm thế chủ động nữa. Những nỗi đau và nỗi sợ càng ngày càng nhiều, cùng với lớp vỏ phòng thủ và bảo vệ càng ngày càng dày... Ta dần đánh mất chính mình. Nhưng không phải ai cũng có thể tự nhận ra được điều đó, để rồi đến một ngày giọt nước tràn ly... Ta chỉ muốn thốt lên: “Tôi chỉ muốn bỏ cuộc, không phải vì áp lực của công việc, mà là vì áp lực giữa người với người!”. Vâng, chính áp lực trong mối quan hệ giữa người và người chốn công sở, chính cách đối xử thiếu hợp tình hợp lý, thiếu sự tôn trọng, thiếu sự ghi nhận là nguyên nhân chủ yếu nhất khiến chúng ta phải ngừng cuộc chơi này... Bạn ơi, tôi chỉ cầu chúc và mong cho bạn cũng như tất cả thành viên trong tổ chức của bạn sẽ nắm tay nhau thật chặt và động viên nhau một cách thật lòng rằng: “Hãy vẫn như ngày đầu nhé!”. Trong tiếng Anh gọi là “Just Like Day One”. Hãy cùng nhau làm việc ấy, hãy chung tay giữ ngọn lửa nhiệt huyết như ngày đầu. Hãy tin mình làm được!


Hãy cùng tôi làm bài tập cuối cùng cho trọn vẹn bạn nhé. Bài tập này sẽ không có đúng hay sai vì nó không thể định lượng chính xác được. Hãy thử tưởng tượng là bạn sẽ mời ba mẹ, vợ chồng, con cái, người thầy đáng kính của bạn tham gia một buổi đánh giá về quá trình làm việc và cống hiến của bạn cho tổ chức nơi bạn đang công tác. Hãy tưởng tượng rằng “họ” là những trọng tài đánh giá rất khách quan và công tâm. Hãy tượng tưởng rằng họ rất “thấu hiểu” quá trình làm việc, thái độ làm việc, kết quả làm việc của bạn. Và nếu bạn chỉ nhờ họ đánh giá theo một câu hỏi duy nhất trên thang điểm 10, họ sẽ cho bạn được mấy điểm. Câu hỏi đó là: “Ba Mẹ của con ơi / Bạn đời ơi / Con ơi / Thầy của em ơi, tôi đã thật sự làm tròn vai đến ngày cuối cùng chưa?”. Vâng, “Tròn vai đến ngày cuối cùng” là thái độ làm việc chuyên nghiệp, là suy nghĩ chính chắn và có trách nhiệm, là bản lĩnh mà mỗi người đi làm cần phải rèn luyện. Đó không chỉ là lòng tự trọng của bạn. Mà đó còn là sự tự hào của người thân của bạn. Có thể bạn không quá giỏi về mặt năng lực. Có thể kết quả bạn đóng góp cho một tổ chức là chưa thật sự nổi bật. Có thể bạn chưa hẳn là nhân viên tiêu biểu xuất sắc của năm. Nhưng hãy luôn phấn đấu đạt chuẩn cơ bản:

Tròn vai đến ngày cuối cùng!

Còn nếu bạn có thể “Làm vượt kỳ vọng” thì càng tuyệt vời hơn nữa!


Tác giả: NGUYỄN VÕ MINH TÂM (Chuyên gia Tâm lý-Hành vi)

55 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page